Phép lai - điều kỳ diệu của công nghệ

(Techz.vn) Chúng ta đã không còn quá xa lạ với những “phép lai” trong công nghệ nữa khi định nghĩa ngày càng trở nên phổ biến hơn từ phần cứng PC, laptop cho đến điện thoại di động.
Chúng ta có thể hiểu “phép lai” là việc kết hợp nhiều hơn hai linh kiện, thiết bị để tạo nên một dòng sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của người dùng hơn. Tiêu biểu cho phép lai đó là phablet, hybrid laptop và cả ổ SSHD. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng bàn luận về sự thành công của các “phép lai” trong ngành công nghiệp công nghệ cao.

SSHD

SSHD là khái niệm khá ít tính phổ biến và chỉ có dân chơi PC hay am hiểu laptop mới có thể hiểu rõ được nó. Ổ SSHD là ổ cứng lai giữa SSD và HDD. Bản thân SSHD là một ổ HDD truyền thống nhưng được gắn thêm một bộ nhớ SSD dung lượng nhỏ, thường là 8GB. Ổ cứng này thường sử dụng trên các hệ điều hành thông dụng với việc con chip điều khiển sẽ quyết định xem dữ liệu nào được lưu trữ trên SSD và dữ liệu nào lưu trên HDD.
SSHD không hẳn là một sự thay thế hoàn hảo cho HDD. Ảnh: Internet
Lợi ích của một ổ cứng SSHD là việc dù được gắn trong một máy tính hoặc máy tính xách tay thì nó cũng không đòi hỏi bất kỳ phần mềm đặc biệt nào. Nó hoạt động mà không cần bạn phải quyết định nơi để lưu trữ các tập tin và chương trình. Nếu bạn không thiết lập Windows để lưu trữ tài liệu của bạn trên phần bộ nhớ SSD thì thật dễ dàng để ổ SSHD có thể ghi nó vào phần dung lượng trống trên HDD. Từ đó, SSHD có tốc độ khởi động tệp tin tốt hơn so với HDD truyền thống, song, thực tế không hoàn toàn là như vậy.
Tại sao SSHD lại ra đời? Câu trả lời rất đơn giản, đó là trung hòa nhu cầu của người tiêu dùng muốn sở hữu tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn mà dung lượng lưu trữ vẫn lớn. SSD ra đời với sự tối ưu về tốc độ nhưng lại thiếu hụt về dung lượng, giá thành còn cao. Trong khi đó, HDD truyền thống không còn phù hợp với các thiết bị mạnh mẽ hiện nay do tốc độ quá thấp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ổ SSHD vẫn dậm chân tại chỗ, công nghệ chậm phát triển và tốc độ phổ biến quá chậm chạp. Người dùng vẫn yêu thích sử dụng 1SSD dung lượng thấp + 1HDD lưu trữ cho tốc độ hoạt động tối ưu.

PHABLET

Có lẽ trong các “phép lai”, phablet là khái niệm thành công nhất với số đông các đơn vị thiết bị trên thị trường hiện nay. Phablet có thể hiểu đơn giản là các mẫu smartphone sở hữu màn hình từ 5.5 đến 6.9 inches, 7 inches trở lên là máy tính bảng. Đấy là khái niệm của giới công nghệ và nó chưa hẳn đã chính xác bởi mẫu phablet lớn nhất thế giới được ghi nhận cho đến nay có kích thước màn hình 6.4 inches, đó chính là Sony Xperia Z Ultra.
Phablet là khái niệm lai thành công nhất hiện nay. Ảnh: Internet
Phablet đã gây được ấn tượng khá nhiều đối với người dùng nhờ màn hình lớn, không gian thao tác thoải mái, giải trí tuyệt vời hơn so với smartphone và nhỏ gọn, dễ cầm nắm, tính di động cao hơn so với tablet. Khái niệm lai này ngày càng trở nên phổ biến và ai cũng biết đến chúng. Theo nhiều thống kê thực tế, trong tương lai, các mẫu smartphone có màn hình lớn hơn 5.5 inches (hay phablet) sẽ thay thế cho những thiết bị nhỏ hơn.
Theo báo cáo của Juniper Research, hơn 400 triệu phablet có màn hình từ 5.5 inches trở lên có thể xuất hiện vào năm 2019, cao gấp 2,5 lần so với con số xuất xưởng trong năm 2015. Sự tăng trưởng trong nhu cầu đối với điện thoại thông minh lớn xuất phát từ sự phổ biến của Apple iPhone 6 Plus. Tuy nhiên, sự thành công của dòng Galaxy Note của Samsung cũng được cho là lý do thực sự cho sự trỗi dậy của phablet.
Kể từ khi Samsung phát hành chiếc Galaxy Note đầu tiên trong năm 2011 với màn hình 5.3 inch rất lớn vào thời điểm đó - thị trường dành cho phablet đã dần bùng nổ.

LAPTOP 2-IN-1

Máy tính bảng một thời đã trở thành một biểu tượng cho sự phát triển và là sự thay thế hoàn hảo cho laptop. Song, cho đến thời điểm hiện tại, những thiết bị sở hữu màn hình cảm ứng kích thước lớn đã không được ưa chuộng và dậm chân tại chỗ khi về phát triển công nghệ. Ở cận dưới, tablet hứng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của phablet và ở cận trên, tablet không thể thay thế cho laptop hay ultrabook hiện nay.
Laptop 2-in-1 có tốc độ phát triển ấn tượng. Ảnh: Internet
Và có lẽ để tìm sự sống, tablet bắt buộc phải “lai” với những thiết bị mà chúng đã “hăm dọa” thay thế trong tương lai không xa, laptop. Trên thực tế, các mẫu máy tính bảng lai vơi máy tính xách tay đang trở thành thiết bị có tốc độ phát triển nhanh nhất. Rất nhiều trong số thiết bị này tìm được thành công bao gồm Yoga 3 Pro của Lenovo, Surface Pro 3 của Microsoft…..
Thị trường máy tính bảng lai laptop, dự kiến sẽ tăng gần gấp 5 lần trong năm nay. Một phần đạt được, đó là nhờ những bàn phím vật lý gắn kèm, phần cứng mạnh mẽ như Core M của Intel. Những cỗ máy lai mỏng hơn nhưng đạt tốc độ ngang bằng với máy tính xách tay tầm trung.
“Phép lai” trong công nghệ phần lớn xuất hiện do sự chuyển dịch nhu cầu của người tiêu dùng cho từng giai đoạn. Với “phép lai”, người dùng có được những sự lựa chọn khác nhau, đa dạng và tuyệt vời hơn so với thời gian trước đây. Còn với các nhà sản xuất thiết bị, họ lại cho thấy sự sáng tạo, sức mạnh công nghệ hoàn hảo của mình.
Chia sẻ Google Plus